Tuesday, December 24, 2013

Những điều cần biết khi mang thai để sinh con khỏe mạnh

Những điều cần biết khi mang thai để sinh con khỏe mạnh

User Rating: / 0
PoorBest 
những điều cần biết khi mang thai để sinh con khỏe mạnh
Mọi gia đình đều mong muốn con khoẻ mạnh, thông minh học giỏi, nhưng 9 tháng ở trong bụng mẹ và 3 tháng năm đầu sau khi sinh là thời kỳ quyết định tiềm lực sức khoẻ và trí tuệ của đứa trẻ. Vì thế việc chăm sóc thai nghén là rất quan trọng để mẹ khỏe sinh con an toàn khỏe mạnh.

Khi mang thai tức là một mầm sống mới bắt đầu được hình thành bên trong cơ thể. Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi, mà còn là cơ sở quan trọng cho sức khoẻ của trẻ sau này. Sự mang thai thông thường kéo dài từ 38 đến 42 tuần (hay khoảng 9 tháng) và thường được chia làm ba giai đoạn.


những điều cần biết khi mang thai để sinh con khỏe mạnh


Giai đoạn 1. Ba tháng đầu thai kỳ


Đây là giai đoạn mà đa số các ảnh hưởng gây ra ấn tượng mạnh nhất khi mang thai (ngoài sự lên cân hoặc có người giảm cân). Trong ba tháng đầu tiên này, có các thay đổi quan trọng về lượng nội tiết tố, đặc biệt là hai nội tiết tố estrogen và progesteron. Những thay đổi này làm vú căng, hai núm vú và quầng vú sẫm màu, rõ nhất là đối với người mang thai lần đầu. Khi có thai, sẽ thường đi tiểu nhiều hơn bình thường và có thể bị táo bón. Để khắc phục tình trạng táo bón, người mẹ nên uống thêm chất lỏng và ăn tăng thêm chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày.


Phụ nữ có thai thường cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ là do mức kích thích tố progesteron tăng, điều đó không có gì bất thường, lúc này cần ngủ từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày, thêm giờ ngủ trưa. Khoảng phần nửa phụ nữ mắc chứng buồn nôn và nôn khan, vị giác thay đổi (thích ăn những thức ăn lạ) gọi là "ốm nghén", những hiện tượng này thường sẽ hết sau 3 tháng đầu.


Nhiều người cảm thấy buồn nôn khi thấy hoặc ngửi mùi thức ăn, đặc biệt mùi thức ăn đang nấu, những người khác lại thấy đau dạ dày mỗi khi thức dậy, họ thường ăn bánh (như bánh quy giòn), cứ 2 hoặc 3 giờ họ ăn một lần, giúp làm giảm cảm giác buồn nôn. Để khắc phục tình trạng này, nên tránh các thức ăn chiên (rán) có mỡ và các loại thức ăn khó tiêu.


Tim thai bắt đầu có vào tháng thứ 2, mắt và tai của thai nhi bắt đầu được hình thành, bé có thể nắm và xoè bàn tay, ngậm và há miệng. Tay, chân và xương bắt đầu phát triển. Cơ quan sinh dục của thai nhi được hình thành trước tháng thứ 3. Cuối giai đoạn này, thai nhi có chiều dài khoảng 9cm và cân nặng khoảng 90 - 100g.
Trong ba tháng đầu thai kỳ bạn nên đi khám thai ít nhất 1 lần và siêu âm để xác định vị trí của thai cũng như xác định tuổi thai (đặc biệt khi quên ngày kinh cuối cùng hoặc kinh nguyệt không đều) cũng như phát hiện các bất thường của thai hoặc các bệnh lý ở tử cung, buồng trứng của thai phụ. Bác sĩ có thể làm thêm vài xét nghiệm khác nếu cần để đánh giá tình trạng sức khoẻ, từ đó đưa ra những lời khuyên thích hợp.


Giai đoạn 2. Ba tháng giữa thai kỳ


Hầu hết các ảnh hưởng ở giai đoạn một sẽ giảm dần trong giai đoạn này, bây giờ là sự tăng trưởng ở vùng bụng rất nhanh. Vào tháng thứ năm, bà mẹ sẽ cảm nhận được những cử động của thai nhi, và  sẽ cảm thấy thật sung sướng. Đây là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển tốt. Trong thời kỳ này, do nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần nhiều hơn để thai nhi phát triển, vì thế người mẹ luôn thấy đói và có xu hướng ăn nhiều. Tuy nhiên, nên thận trọng trong việc lựa chọn thức ăn và không nên ăn quá nhiều cùng một lúc.
Một số vấn đề trong giai đoạn một có thể vẫn còn tiếp diễn trong giai đoạn hai. Táo bón thường đi đôi với việc tử cung to, đè lên vùng tiểu khung và các mạch máu ở trực tràng có thể gây nên bệnh trĩ. Một số thai phụ có thể bị phù, có thể nhận biết bằng dấu hiệu ấn lõm ở tay, chân và dễ nhận thấy nhất ở vị trí cổ chân. Đây có thể là dấu hiệu của chứng ngộ độc thai nghén, cần đi khám bác sĩ ngay. Vào tuần thứ mười chín (hoặc muộn hơn) của thai kỳ, ngực căng đau và có thể có sữa non. Sữa non là một chất lỏng, dinh dính, màu vàng nhạt, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để nhận ra. thời kỳ này  có thể tăng khoảng 4 - 5kg.


Cũng vào khoảng giai đoạn này, nhịp tim của thai nhi có thể nghe được qua ống nghe tim thai. Tay, chân, tai, mắt, ngón tay và xương của thai đã hình thành rõ và phát triển. Bé bắt đầu đạp nhẹ, cử động tay, ngủ, mở mắt và ngáp. Bé đã có lông mày, lông mi, móng tay và tóc. Cuối tháng thứ 6 bé có chiều dài khoảng 30cm và cân nặng khoảng 600 - 700g.


Trong thời gian này người mẹ nên đi khám thai mỗi tháng một lần và siêu âm một lần trong 3 tháng nhằm xác định lại tuổi thai, ước lượng trọng lượng thai nhi, đánh giá tốc độ phát triển thai nhi, tình trạng bánh nhau và nước ối cũng như phát hiện các dị tật thai nhi nếu có.


Giai đoạn 3. Ba tháng cuối thai kỳ


Vào giai đoạn này, tử cung trở nên rất rộng và bạn lên cân đáng kể. Trọng lượng cơ thể tăng từ  5 - 6kg. Vào những tuần cuối của thai kỳ bạn có thể tăng đột ngột 1 đến 1,5kg. Tổng cộng trong suốt thai kỳ, trung bình 1 thai phụ tăng từ 9 - 12kg. Nếu 3 tháng giữa tăng dưới 3 kg và 3 tháng cuối tăng dưới 4 kg thì phải tăng cường bồi dưỡng và nghỉ ngơi. Ngược lại nếu tăng cân quá mức dặc biệt là 3 tháng cuối, nếu mỗi tháng tăng quá 2 kg thì phải kiểm tra xem có bị phù không.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khi có thai cần tăng trung bình 9-12kg, tuy nhiên còn phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của người mẹ trước khi có thai, mà sự cần tăng cân là khác nhau , người mảnh khảnh cần tăng 12 - 18kg, người cân nặng trung bình cần tăng 11,5 - 16kg, người đã dư cân chỉ cần tăng 7 - 8kg.


Vào khoảng cuối thai kỳ (hai hoặc ba tuần trước khi sinh) thai nhi xuống vị trí thấp hơn trong ổ bụng, khi đáy tử cung căng ra chuẩn bị sinh làm tăng sức ép ở bụng dưới, có thể gây ra một vài khó chịu mới như: đi tiểu thường xuyên hơn, táo bón, mệt hơn, đôi khi thở nhanh, hông, đầu gối và bàn chân của cơ thể bị phù nhẹ, vì vậy khi nghỉ ngơi bạn nên gác chân lên cao. Người mẹ cũng sẽ thấy rõ hơn những cử động của bé như trở mình, đạp chân. Trong ba tháng cuối, bé có thể mở mắt và nghe được âm thanh, xương và các cơ quan đã hoàn thiện, bé sẽ di chuyển dần xuống khi đến gần ngày chào đời. Tới tháng thứ 9 bé có chiều dài khoảng 45cm, cân nặng khoảng 2500g.


Người mẹ nên đi khám thai 1 lần vào tháng thứ 7, khám 2 lần vào tháng thứ 8, và khám mỗi tuần 1 lần vào tháng thứ 9.


Chủng ngừa thai kỳ
Trong những lần khám thai, thai phụ sẽ được tiêm ngừa uốn ván:
Mũi đầu thường được tiêm vào tháng thứ 6 - 7 của thai kỳ.
Mũi thứ 2 thường được tiêm sau mũi thứ nhất một tháng.
Nếu lần sinh sau trong vòng 10 năm sau lần sinh trước, chỉ cần tiêm nhắc lại 1 mũi vào đầu giai đoạn 3 của thai kỳ.


Dự tính ngày sinh


Thời gian mang thai trung bình từ 38 đến 42 tuần, như vậy người mẹ hãy đánh dấu ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, đếm đủ 40 tuần từ ngày đó và cộng trừ 2 tuần, đó sẽ là khoảng ngày sinh dự kiến.
Cũng có thể dự tính ngày sinh theo công thức sau: lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng cộng thêm 10 ngày và tháng có kỳ kinh cuối cùng đó trừ đi 3 tháng.
Ví dụ: kỳ kinh cuối cùng của bạn là ngày 5/10/2013 thì ngày dự kiến sinh của bạn sẽ là 15/7/2014. Ngày sinh thực tế có thể sẽ sớm hoặc chậm hơn 2 tuần so với ngày dự kiến.
Ngày dự kiến sinh cũng được các bác sĩ dự đoán qua các lần khám thai.

Bác sĩ Celia


e

1 comment:

  1. Những điều cần biết khi mang thai để sinh con khỏe mạnh
    http://celiamama.com/danh-cho-me/huong-dan-cham-soc-thai-ky/cham-soc-thai-ky/411-nhung-dieu-can-biet-khi-mang-thai-de-sinh-con-khoe-manh.html

    ReplyDelete