Tuesday, January 7, 2014

Vì sao bữa ăn của trẻ cần đa dạng nhiều loại thực phẩm

Đa dạng thực phẩm là thuật ngữ để chỉ tính phong phú nhiều dạng thực phẩm, là sự cần thiết  phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn gia đình Việt Nam. Sự phối hợp nhiều loại thực phẩm này nhằm đảm bảo cung cấp cho cơ thể con người năng lượng, các chất dinh dưỡng cần thiết cho các quá trình chuyển hoá, hoạt động của các chức năng, cấu trúc tế bào.
Trẻ nhỏ cơ thể đang lớn và phát triển vì thế chế độ dinh dưỡng lại càng quan trọng. Nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý, trẻ sẽ khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, ít ốm đau bệnh tật 
Vì sao bữa ăn của trẻ cần đa dạng nhiều loại thực phẩm
 Sự cần thiết của dạng thực phẩm:
Cơ thể con người người ta đòi hỏi cần đựơc cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng hàng ngày để xây dựng và đổi mới  các tế bào trong cơ thể thông qua quá trình chuyển hoá, đồng thời để đảm bảo hoạt động của các chức năng duy trì sự sống, lao động của con người. Các chất dinh dưỡng này cơ thể không tự tổng hợp được mà cần đưa vào từ nguồn thực phẩm được gọi là thức ăn.
 Để có  đủ các chất dinh dưỡng thì cần ăn đa dạng phối hợp nhiều loại thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Người ta chia thực phẩm ra làm 4 nhóm chính sau:
- Nhóm chất đạm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua, cá… là những chất đạm có nguồn động vật. Đậu, đậu đỗ, vừng, lạc là chất đạm có nguồn thực vật. Nhóm chất đạm cung cấp các axit amin, là những nguyên liệu chủ yếu xây dựng cơ thể. Chất đạm gồm có 20 axit amin, trong đó 9 axit amin cơ thể không thể tự tổng hợp và nhất thiết phải được đưa vào cơ thể qua thực phẩm (gọi là axit amin cần thiết ). Chất đạm tuy rất cần thiết cho cơ thể nhưng tùy theo nhu cầu để cho trẻ ăn phù hợp, bởi ăn quá nhiều chất đạm cũng không tốt . Trẻ 6 - 7 tháng nên ăn từ 20 - 30 g thịt (hoặc cá, tôm), khoảng 2 - 3 thìa cà phê băm nhỏ chia làm 2 bữa, nếu ăn trứng ½ lòng đỏ trứng gà hoặc 2 lòng đỏ trứng chim cút. Trẻ 8-12 tháng : 60- 80g thịt hoặc cá, tôm hoặc 120- 200g đậu phụ/ ngày chia làm 3 - 4 bữa, nếu cho ăn cả thịt, cá, tôm thì mỗi loại chỉ cần 20 - 25g/ bữa, hoặc 1lòng đỏ trứng gà. Trẻ 1 - 5 tuổi mỗi ngày ăn khoảng 120 - 150g/ ngày.
- Nhóm chất bột đường: gạo, mì, ngô, khoai, sắn và các sản phẩm chế biến, nhóm này cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.
- Nhóm chất béo (dầu, mỡ): dầu đậu nành/ đậu tương, dầu vừng/ mè, dầu lạc…) là những chất béo có nguồn thực vật. Mỡ, bơ là chất béo từ nguồn động vật. Chất béo cung cấp năng lượng và duy trì thân nhiệt. Trong nhóm chất béo gồm axit béo no (có nhiều trong mỡ) và axit béo không no (có nhiều trong dầu ăn). Trẻ nhỏ rất cần chất béo động vật để phát triển trí não, hệ thần kinh và võng mạc. Nhu cầu chất béo động vật chiếm 70% tổng lượng chất béo trong khẩu phần ăn của trẻ. Vì thế nhiều bà mẹ chỉ cho con ăn dầu mà không cho con ăn mỡ là không đúng, các nhà dinh duỡng khuyên trong 3 bữa ăn dặm (ăn sam) thì nên cho bé ăn 2 bữa mỡ (tốt nhất nên ăn mỡ gà vì có nhiều acid béo không no) và chỉ nên ăn 1bữa dầu ăn và cũng nên thay đổi bữa ăn dầu gấc, bữa ăn dầu cá như vậy sẽ tốt hơn là chỉ sử dụng 1 loại dầu ăn
- Nhóm rau, quả cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ đảm bảo cho các hoạt động chuyển hoá của cơ thể. Các loại rau lá xanh thẫm (rau ngót, rau diền, rau muống..) củ, quả có màu vàng, da cam (gấc, cà rốt, xoài, hồng, đu đủ..) có nhiều tiền vitamin A.
Ngoài ra cần chú đến nước uống, tuy không cung cấp chất dinh dưỡng những rất cần thiết .Theo khuyến cáo của Hội Nhi Khoa Việt nam và Viện Dinh dưỡng, thì nhu cầu nước của trẻ được tính như sau:
Trẻ < 1 tuổi: 150ml / kg / ngày.
Trẻ 1 - 5tuổi: 100ml / kg / ngày.
Trẻ 6 - 10 tuổi: 70ml / kg / ngày. (lượng nước được tính kể cả lượng nước trong các bữa ăn như súp, cháo, canh, sữa, nước quả...). Tốt nhất nên sử dụng nước đun sôi để nguội cho trẻ uống, không nên cho uống các loại nước có ga, nhiều đường.
Mỗi loại thực phẩm đều cung cấp một số chất dinh dưỡng nhất định nhưng ở một tỷ lệ khác nhau. Không một thực phẩm nào là hoàn hảo nhất và có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể. Chính vì thế trong chế độ ăn tốt nhất là bữa ăn phải ăn đa dạng phối hợp nhiều loại thực phẩm trong 4 nhóm thực phẩm (ví dụ như mỗi bữa ăn cần có 4 nhóm được chế biến thành nhiều món (món cơm, món mặn,  món canh, món rau ), hoặc trong 1 món cũng có thể phối hợp nhiều nhóm như món canh cua nấu với khoai sọ, rau muống, rau rút, món phở, bún thang…. Bữa ăn nên ăn đa dạng trong cùng một nhóm như cơm nấu lẫn khoai, ngô. Đồng thời trong cách chế biến phải thưòng xuyên thay đổi món ăn để cung cấp nhiều chất dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng phức tạp của cơ thể.
Để có đủ các chất dinh dưõng, trong bữa ăn hàng ngày của trẻ phải có 4 nhóm thực phẩm, thường xuyên thay đổi các loại thực phẩm và cách chế biến để trẻ đủ dinh dưỡng, ăn ngon miệng không bị biếng ăn và phát triển tốt.

No comments:

Post a Comment