Tuesday, May 21, 2013

Bé ăn đã đủ lượng chất béo, vì sao bé hay bị nôn trớ?

Bé ăn đã đủ lượng chất béo, vì sao bé hay bị nôn trớ?

User Rating: / 0
PoorBest 
Câu hỏi: Chào Celia, bé nhà em 8 tháng tuổi. Một ngày cháu ăn 3 bữa bột em đều cho 1/2 thìa cafe dầu ăn (dầu ăn kiddy & oliu, thay đổi nhau). Vậy em cho bé ăn như thế đã đủ lượng dầu ăn cho bé chưa ạ? Bé nhà em ăn hay bị nôn, em tìm hiểu thấy có Siro odbankin rất tốt cho trẻ đầy bụng, nôn trớ (dùng < 10-15 ngày). Không biết có nên áp dụng cho bé nhà em được không ạ?

Trả lời: Bé 8 tháng, ngoài bú mẹ (hoặc ăn sữa ngoài - sữa công thức 2), một ngày cần ăn thêm 3-4 bữa bột và 2-3 bữa quả chín nghiền hay nước hoa quả. Để bé phát triển tốt, lên cân đều (trung bình 400-500 g/tháng), thì trong mỗi bát bột cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm đường bột, nhóm chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng). Chất béo rất cần đối với trẻ nhỏ đang phát triển, vì chất béo là nguồn năng lượng “cô đặc”, 1g chất béo cho 9 Kcalo, trong khi 1 gam chất đạm, chất bột đường chỉ cho 4 Kcalo. Chất béo tham gia trong cấu trúc tế bào đặc biệt tế bào não, là dung môi cho các vitamin tan trong dầu (A,D,E,K), đồng thời chất béo lại giúp tạo ra hương vị thơm ngon, gây cảm giác ngon miệng, vì vậy trẻ cần được cung cấp đầy đủ chất béo trong mỗi bữa ăn. Tháng tuổi này mỗi bát bột nên cho 1 thìa cà phê (5ml), nếu bé tăng cân chậm có thể tăng 1 thìa rưỡi đến 2 thìa, trẻ nhỏ cần chất béo động vật (mỡ) hơn là chất béo nguồn thực vật (dầu ăn). Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, với trẻ em trong tổng lượng chất béo theo nhu cầu thì 70% là chất béo động vật, 30% chất béo thực vật, vì thế nếu bé ăn 3 bữa bột, thì nên cho 2 bữa là mỡ, 1 bữa là dầu, tốt nhất cho bé ăn mỡ gà, vì mỡ gà là chất béo động vật nhưng thành phần có nhiều acid béo không no dễ hấp thu hơn là mỡ lợn.
Trẻ em, do đặc điểm cấu trúc của hệ tiêu hóa, khi trẻ chưa biết đi dạ dày thường nằm cao và ngang, cơ tâm vị từ thực quản xuống dạ dày đóng chưa chặt vì thế trẻ thường hay bị nôn trớ, nhất là khi trẻ ăn quá no, hoặc ăn nhanh, nhiều trẻ bị trào ngược thực quản nên cũng thường xuyên bị nôn trớ, hoặc có nhiều trẻ bị viêm họng, bị kích ứng họng nên khi ăn cũng hay bị nôn trớ. Đối với những trẻ này thì cần cho trẻ ăn nhiều bữa, không nên ép trẻ ăn quá no, khi cho ăn bằng bình sữa, thì lỗ núm vú đục cho vừa phải không đục to quá làm trẻ bú phải hơi. Sau khi ăn nên bế vỗ hơi cho trẻ, không đặt nằm ngay, bế trẻ 10-15 phút, khi đặt cho đầu trẻ nghiêng sang 1 bên để tránh hít phải thức ăn khi bị trớ. Không cho trẻ vừa ăn vừa cười đùa, khóc, hay la hét, tránh không để quạt thốc vào người trẻ và cho trẻ ăn đồ ăn nguội dễ gây kích ứng họng.

Odbankin không phải là thuốc dùng cho trẻ bị nôn trớ do cơ năng, mà thành phần chủ yếu là các vitamin và men tiêu hóa dùng cho trẻ kém ăn, suy dinh dưỡng.

Bác sỹ Celia

No comments:

Post a Comment